Bạn, nếu bạn là người Việt Nam thì chắc hẳn bạn không thể không biết đến món Phở, món ăn từng một thời được cho là thứ hàng "xa xỉ" của làng quê người Việt Nam ta. Thế nhưng cho đến tận ngày nay Phở đã trở thành một món ăn mà ai cũng đều thích, không chỉ với người Việt mà ngay cả những du khách nước ngoài khi đến Việt Nam cũng đều muốn được thưởng thức cái món ăn cay cay này. Thế nhưng nguồn gốc của Phở ở đâu thì không ai xác định được, người thì cho là có từ Hà Nội, nhưng có người lại bảo là Nam Định mới đúng. Theo như tài liệu ghi lại thì nguồn gốc của Phở vào cỡ khoảng đầu thế kỉ 20, khi đó nước ta có một món gần gần như Phở bây giờ, được gọi là “xáo trâu” (một món được làm từ thịt trâu, hành, răm và ăn kèm với bún) đang rất thịnh hành bởi không hiểu vì sao mà các cụ nhà ta hồi đấy lại không thích ăn thịt bò Và như ai cũng biết đây chính là khoảng thời gian nước ta bị thực dân Pháp xâm lược. Do người Pháp chỉ ăn thịt bò, nên bắt đầu xuất hiện những cửa hàng bán thịt bò, nhưng hàng bán chẳng được là bao, ngày nào cũng ế ấm…bỗng có một bà hàng xáo trâu nảy ra ý định “thay xáo trâu bằng xáo bò”. Nhưng khi nấu thành, bà hàng lại nhận thấy ăn kèm với bún không hợp cho lắm…thế là một sáng kiến nữa lại được nảy ra: Xáo bò sẽ được ăn với bánh cuốn chay thái sợi! Không ngờ kết quả lại ngoài mong đợi. Mọi người rất thích món “xáo bò bánh cuốn” này. Cứ thế…dần dần qua thời gian, món xáo bò được cải tiến để thành món Phở tinh hoa như ngày nay.
Vào ban đầu, chỉ có mỗi Phở chín thui! Phải đến gần sau này mới xuất hiện thêm Phở tái, rồi thì nạm gầu, sách bò, sốt vang, áp chảo và cả Phở cuốn, Phở chua ngọt, Phở trà nữa chứ. Nhưng để nấu được một nồi Phở ngon đâu có dễ… Xương dùng để ninh làm nước chan phải là xương ống bò thì nước mới trong và ngọt. Và còn gia vị thì phải đủ: quế chi, đinh hương, đại hồi, thảo quả, gừng già, hành khô, nước mắm ngon… Ấy vậy mà vẫn phải kì công lắm cơ! Và cứ đi đến mỗi vùng miền thì hương vị của Phở lại được thay đổi chút ít, ví như Phở Hà Nội, nước Phở trong và không hề ngấy thì ở Nam Định nước Phở lại cho ta cảm giác “đậm đà” hơn rồi khi vào đến miền Nam, nước Phở lại có vị hơi ngòn ngọt.
Và nếu như ông bà mình ở Hà Nội cứ tiếc mãi cái sợi Phở to bản được thái bằng tay thì tại Nam Định hay Sài Gòn họ lại thích Phở sợi nhỏ hơn. Còn một điều đặc biệt nữa, đó là ở Nam Định khi pha bột gạo để tráng bánh phở họ còn pha thêm một chút bột dong để bánh phở được dai và mềm hơn. Nhưng giờ để kiếm được loại bánh phở này hơi hiếm đấy!
Còn cả về cách ăn nữa chứ. Cũng khác nhau nhiều lắm đấy! Này nhé! Nếu bạn đã quen với từng lát thịt được thái mỏng như ở Hà Nội thì khi đến Nam Định bạn sẽ hơi bất ngờ với bát Phở cùng những miếng thịt to bản đó. Và nếu ở Hà Nội chỉ cần thêm một chút ớt, miếng chanh là đủ thì ở miền Nam bạn nên thử ăn Phở với một chút tương đen (hay còn gọi là tương ngọt) xem sao? Cũng thú vị lắm!
Để kết lại, Gray chỉ muốn nói rằng, cho dù có được thay đổi ở mỗi vùng miền thì Phở vẫn được coi là nét tinh túy của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Chúng ta nên gìn giữ và trân trọng. Còn bạn thì sao? Hãy chia sẻ về nét đặc trưng của món Phở nơi bạn sống đi. Mọi người sẽ thích thú lắm đấy!
À quên, nếu ai có dịp về miền tây thì ghé qua Tiền Giang chơi. Tuy quê mình cũng ít quán Phở lắm nhưng duy có một tiệm mà Gray thích ăn nhất là quán phở Đông Hải (ngay chân cầu Hùng Vương), tiệm này nấu Phở rất ngon và rất đông khách tới ăn. Gray cũng ăn Phở ở nhiều nơi nhưng nếu so sánh với Phở ở các cửa hàng danh tiếng như Phở AAA, Phở 24, vv... thì Gray vẫn thích tô Phở quê mình hơn nhiều vì tuy nó không có thương hiệu nổi tiếng, không có nhiều đầu bếp giỏi hay không gian rộng rãi hiện đại như các quán Phở ở thành thị nhưng trong tô Phở ấy có một thứ hương vị đặc biệt, hương vị của quê hương...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét