Gỏi sầu đâu


Sầu đâu, gần đây còn được giới nông nghiệp gọi là cây neem (tên Ấn) do bên Ấn Độ thì chất chiết xuất từ lá và quả cây này dùng làm thuốc bảo vệ thực vật rất hiệu quả, bên ta đang thử làm theo.

Cây này bài báo trên đây mô tả là cao trung bình như cây cóc, cây ổi, bài báo khác lại viết cây cao vút và thẳng, hoa thì khi màu trắng, khi màu vàng! Tôi nghĩ những mô tả này... đều đúng cả. Tên khoa học của cây là Azadirachta indica Juss. Ta tra theo tên này trên mạng sẽ tìm ra rất nhiều hình ảnh, ta tha hồ lựa kiểu ảnh mà ta cho là phù hợp.

Trên Mùi Vị đã có bài về gỏi sầu đâu.

http://www.muivi.com/modules.php?op=modload&name=News&file=article&sid=1182

rong y học cổ truyền có rất nhiều bài thuốc là món ăn. Xin giới thiệu và mách các bạn món ăn vị thuốc đó là gỏi sầu đâu.

Gỏi sầu đâu là món ăn bình dân có nhiều ở vùng Tây Nam Bộ. Cây sầu đâu (còn được gọi là cây Xoan ăn gỏi) tên khoa học là: Azadirachta indica Juss. F. lá một lần kép, hoa màu trắng. Lá và hoa ăn được. Xin đừng nhầm với cây khác cùng họ là cây xoan (miền Trung cũng gọi là sầu đâu hay Sầu Đông) có tên khoa học là Meliaazedarach L. lá hai lần kép, hoa màu tím và rất độc không ăn được.

Theo các nhà khoa học, cây sầu đâu có rất nhiều tác dụng diệu kỳ. Cây chiết xuất từ rễ, vỏ, lá và hạt có tác dụng chữa bệnh như diệt giun sán, ức chế nấm da, nấm tóc, vi trùng lao, sốt rét… Người Ấn Độ dùng hạt sầu đâu diệt côn trùng, dùng lá ngâm nước diệt sâu rầy. Cây sầu đâu thì hầu như chỉ thấy trồng nhiều ở miền Tây Nam Bộ, cây cao và thẳng, không kén đất, đứng cùng các loại cây tạp khác bên bờ rào, ven rạch nước, dễ trồng và cũng dễ sống. Cuối đông, đầu xuân sầu đâu thay lá và ra hoa. Người ta hái lá non và nụ hoa trong dịp này để làm món gỏi đặc sản khá độc đáo. Món gỏi sầu đâu dễ tính, ăn ngon miệng. Vị đắng hậu ngọt của sầu đâu sẽ lưu lại trong vị giác của bạn cho tới ngày hôm sau để lại nhớ, lại thèm dù mới ăn hôm trước. Tới bữa mà xa chợ, nắm lá sầu đâu trộn cùng khô cá, khô tôm, nướng, dăm trái cà chua, dưa leo, me chín cũng làm được món ăn qua bữa. Nếu đãi khách phương xa ta làm cầu kỳ hơn: đặt một nồi nước sôi, hãy thả vào 100g thịt heo loại ba chỉ, vớt ra ngay khi thịt vừa chín tới. Luộc tiếp 100 g tôm thẻ, tôm càng xanh càng tốt. Trong khi chờ nước sôi, lấy 1 cành tre còn tươi dài 3, 4 tấc vót nhọn đầu, xọc vào miệng con cá lóc khoảng 300 đến 400g, cắm xuống đất chất rơm xung quanh rồi đốt. Để đấy chờ tro tàn, bạn lo làm rau. Lá non và nụ sầu đâu khoảng 100g ngắt ngắn độ 1,5 cm, nụ càng nhiều càng ngon. Nhúng qua nước sôi cho bớt đắng nếu bạn mới ăn lần đầu, dưa leo 2 quả, cà chua 4 trái xắt mỏng, xoài tượng còn xanh bằm thành sợi nhỏ.

Thịt ba chỉ thái mỏng vừa ăn, tôm luộc bỏ vỏ, bỏ đầu, khô cá sặc rằn nướng xé nhỏ, cá lóc nướng cũng thế, nhưng chớ bỏ bộ lòng. Lòng cá nước trui người miền Tây rất quý, bỏ chung tất cả vào thố, cho thêm chút bột ngọt, thìa nước mắm nhĩ, dùng đũa trộn cho thật đều thật kỹ, rồi bày lên đĩa với rau thơm và ngò rí cho có màu xanh, ít lát ớt đỏ cho đẹp và mời khách.

Gỏi sầu đâu là món ăn đặc sản của miền Tây Nam Tổ Quốc. Theo kinh nghiệm cổ truyền, gỏi sầu đâu vừa là món ăn ngon lại là bài thuốc mát gan, chữa táo bón và giải độc. Và cũng như nhiều món ăn bài thuốc khác gỏi sầu đâu cũng chỉ được lưu truyền trong dân gian. Một đĩa gỏi sầu đâu cao cấp vừa ngon vừa lạ miệng. Ngon vì cách chế biến giữ được nguyên chất vị ngọt và tươi của cá thịt. Lạ miệng bởi vị đắng của sầu đâu, vị béo và thơm của khô cá sặc rằn, khó lẫn với bất cứ loại khô nào. Nếu có dịp về miền Tây, xin mời bạn cố gắng thưởng thức món đặc sản này.





0 nhận xét:

Đăng nhận xét