Sầu đâu - món đắng khó quên

Món ăn có vị đắng ở nước ta không thiếu, “rau đắng sau hè” nổi tiếng về vị đắng thanh tao, món cháo cá không có rau đắng coi như mất ngon đi một nửa. Khổ qua cũng là món đắng không thể bỏ qua, khổ qua dồn thịt xào trứng là một mỹ vị ngự đĩnh đạc trong các đám giỗ, tiệc cưới. Có một món đắng phần nào không được phổ biến lắm, ít người biết đến nhưng thuộc loại cao sang, gần đây là món đặc sản trong các nhà hàng đám tiệc: đó là sầu đâu.
Cây sầu đâu thuộc loại tầm trung bình, cao bốn năm thước, như cây cóc cây ổi, lá kép, óng mượt, bông vàng mọc thành chùm như bông xoài; có nhiều bên đất bạn Campuchia, vườn nhà người Khmer nào cũng có, dễ trồng nên gần như mọc hoang. Ở ta thường có ở vùng biên giới giáp Campuchia, Châu Đốc - Long Xuyên, hoặc ở vùng sâu người Việt gốc Khmer, như Trà Vinh, Sóc Trăng. Nói chung đó là loại cây quê mùa dân dã, lẩn trong các cây không ai chú ý, nếu không có vị đắng nổi tiếng.

Món rau sầu đâu gồm lá non (đọt) và bông. Bông ăn ngon hơn, ít đắng và thơm, nhưng phải tới mùa (trổ bông) mới có. Còn lá non lúc nào cũng có, trộn với khô xé thịt ba chỉ, làm thành món gỏi. Người Khmer ăn với khô cá trèn hun khói, một món ăn sang, làm rất công phu. Một giàn cá trèn cao non thước, chạy dài cả mấy chục thước, cành lá củi tươi chất đốt bên dưới để lấy khói, lửa cháy âm ỉ khói mù mịt suốt mấy ngày, cá trèn khô dần dưới khói thành món ăn đặc sản quý hiếm.

Sầu đâu đắng nhưng ngọt! Ăn với khô cá trèn thịt heo ba chỉ, tôm khô, uống rượu trắng, vì đây là món ăn quê, không chuộng rượu ngoại, bia lại càng nhạt nhẽo, ăn kèm thứ gì cũng được, hơi mặn một chút càng ngon. “Thuốc đắng giã tật”, với dân ta các vị đắng đều là vị thuốc, trước tiên là thuốc nhuận tràng. Sầu đâu cũng thế.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét